* Cô Huỳnh Ngọc Bạch: Tích cực đổi mới
30 năm gắn bó với nghề giáo, cô Huỳnh Ngọc Bạch, giáo viên bộ môn mỹ thuật của trường Tiểu học Tân Vĩnh Hiệp A (TX.Tân Uyên) đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Nhà giáo ưu tú.
Năm 1987, cô Bạch bước chân vào nghề dạy học. Đây cũng là thời điểm đời sống của người thầy còn gặp khó khăn. Riêng với cô Bạch, ngày ấy, để đứng vững trên bục giảng cô phải đi làm thêm những công việc khác. Chính sự yêu nghề, yêu học trò nhỏ, cô Bạch đã tỏa sáng như ngày hôm nay. Là giáo viên dạy môn mỹ thuật, cô Bạch đã áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy mới để đem đến cho học trò những giờ học thật thú vị. Quan sát giờ học, chúng tôi thấy khá sinh động, bởi tiết dạy của cô không bó buộc trong phòng học, mà cô trò đưa nhau ra sân trường dạy và học. Đó là lý do học sinh (HS) rất thích đến giờ học của cô Bạch, để các em thỏa sức sáng tạo, thể hiện năng khiếu mỹ thuật. Chính vì vậy, cô đã được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chọn tham dự các lớp tập huấn cốt cán của chương trình đổi mới giảng dạy môn mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch, do Bộ GD-ĐT tổ chức. Sau đó cô đã triển khai chuyên đề đến tất cả giáo viên dạy môn này và cán bộ quản lý các trường của TX.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên để thực hiện.
Là tổ trưởng tổ bộ môn, cô Bạch luôn đi tiên phong trong các phong trào của ngành, của trường. Thể hiện trách nhiệm của người đầu tàu, hàng năm cô giúp đỡ đồng nghiệp xây dựng phương pháp giảng dạy, tham gia thi tay nghề các cấp luôn đạt kết quả. Cô còn góp ý để đồng nghiệp hoàn chỉnh các sáng kiến kinh nghiệm tại đơn vị và tham gia các cuộc thi nghiên cứu đề tài trong giảng dạy. Riêng cô Bạch có nhiều sáng kiến đạt loại B và 1 sáng kiến đạt loại A cấp tỉnh.
* Cô Nguyễn Phương Thu: Nhiệt huyết với nghề
Xã hội thường ví cô giáo là mẹ hiền thứ hai. Điều đó đúng với trường hợp của cô Nguyễn Phương Thu, giáo viên dạy văn trường THCS Chu Văn An (TP.Thủ Dầu Một). Là giáo viên dạy văn, cô Thu không chỉ dạy văn hóa mà còn giáo dục học trò về lễ nghĩa, nhân cách, kỹ năng sống, cách giao tiếp với xã hội. Cô thường nhắc nhở học trò “tiên học lễ, hậu học văn”, trước khi có kiến thức, các em phải trang bị cho mình phẩm chất đạo đức, học làm người. Do đó trong quá trình giảng dạy, cô chú trọng giáo dục cho HS về đạo đức, nhân cách làm người.
Ngày nay, theo sự phát triển của xã hội, phụ huynh có xu hướng khuyến khích con em học các môn tự nhiên, mà ít chú trọng các môn xã hội, trong đó có môn văn. Để HS yêu thích học văn, cô Thu đã dồn tất cả tâm huyết vào môn học qua việc đầu tư soạn giảng. Cô vẫn giữ phương pháp giảng dạy truyền thống, kết hợp với các phương pháp mới phù hợp với xã hội và yêu cầu đổi mới giáo dục. Cô Thu còn thể hiện năng lực chuyên môn qua việc viết nhiều sáng kiến kinh nghiệm. Nhiều sáng kiến của cô đã được sử dụng làm chuyên đề bồi dưỡng cho giáo viên ngữ văn THCS tỉnh vào các đợt tập huấn hè. Chưa hết, cô còn tham gia viết các chủ đề dạy học dành cho HS các lớp tạo nguồn THCS của Sở GD-ĐT, tham gia biên soạn tài liệu ôn thi lớp 10 môn ngữ văn, viết chuyên đề bồi dưỡng HS giỏi. Người giáo viên nhiệt huyết ấy đã truyền lửa đam mê môn học cho các thế hệ học trò. Hàng năm, cô đã tích cực bồi dưỡng HS giỏi và năm nào cũng có em đạt giải cao ở các cuộc thi cấp tỉnh như cuộc thi Olympic, thi HS giỏi văn - giải thưởng Sao Khuê.... Với những đóng góp đáng kể như trên, nhiều năm qua cô Thu đã được UBND tỉnh tặng bằng khen.
* Cô Trần Thị Vẻ: Khơi gợi niềm đam mê học tập trong HS
Đạt nhiều thành tích cao trong giảng dạy, luôn được lãnh đạo và bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao về tinh thần làm việc, là những phẩm chất tốt đẹp của cô giáo trẻ tài năng Trần Thị Vẻ, giáo viên môn sinh học trường THPT Trịnh Hoài Đức (TX.Thuận An).
Hiện cô Vẻ là tổ trưởng tổ sinh - kỹ thuật - nông nghiệp trường THPT Trịnh Hoài Đức. Cô Vẻ công tác tại trường THPT Trịnh Hoài Đức được 10 năm, cô đã đạt nhiều thành tích trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu. Năm 2012, cô bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ chuyên ngành sinh học thực nghiệm tại trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh. Với tinh thần cầu tiến, cô luôn chủ động học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, theo dõi các thông tin từ nhiều nguồn nhằm đưa những vấn đề mới nhất vào bài giảng. Cùng với việc khai thác và sử dụng tối đa các thiết bị dạy học theo phương pháp đổi mới lấy HS làm trung tâm, cô Vẻ cũng tự trang bị cho mình nhiều kiến thức bổ ích trong quá trình dạy bồi dưỡng HS giỏi lớp 12, HS giỏi giải toán trên máy tính cầm tay Casio, Olympic môn sinh học lớp 11 và bồi dưỡng nâng cao cho HS học tăng cường môn sinh học để đáp ứng mục tiêu nâng cao tỷ lệ đậu vào đại học.
Những kinh nghiệm quý báu ấy đã giúp cô giáo trẻ này sớm đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi giáo viên giỏi. Đáng kể là giải nhất Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh - giải thưởng Võ Minh Đức năm học 2016-2017. Niềm vui nhân đôi khi chính trong năm học 2016-2017, cô đã trực tiếp bồi dưỡng 1 HS đoạt huy chương đồng môn sinh Olympic 30-4, 1 HS đoạt giải khuyến khích giải toán trên máy tính Casio và mới đây là một HS đạt điểm tuyệt đối môn sinh học trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Toán 8 _ Bài 3 _ Giải bài tập: Nhân đa thức với đa thức và các bài toán nâng cao
Đã xem: 1944