Thời gian công bố kết quả thi dự kiến vào 8h ngày 17/7. Sau đó, các địa phương tiến hành xét tốt nghiệp cho học sinh dự thi và sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng theo kế hoạch tuyển sinh.
Trong tháng 4 và tháng 5, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức các hội nghị tập huấn kỹ thuật về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cho tất cả các địa phương.
Các mốc thời gian cụ thể triển khai tổ chức kỳ thi từ cấp Bộ đến các địa phương được quy định cụ thể trong văn bản hướng dẫn.
Theo kế hoạch, dự kiến từ ngày 10/7 đến 17h ngày 25/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học không giới hạn số lần. Thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để xử lý thông tin (nhập, sửa, xem) của thí sinh trên hệ thống.
Ngày 20/7, Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe.
Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các ngành/chương trình phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên hệ thống, hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào tất cả các cơ sở đào tạo đăng ký theo ngành/chương trình và được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Đồng thời, thí sinh phải cung cấp các dữ liệu (theo tiêu chí, điều kiện, quy trình đăng ký được quy định tại đề án tuyển sinh của các cơ sở đào tạo) tương ứng với ngành/chương trình mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển để các cơ sở đào tạo sử dụng xét tuyển.
Việc tổ chức xử lý nguyện vọng xét tuyển diễn ra từ ngày 5/8 đến hết 17h ngày 10/8. Thời gian các trường đại học thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 chậm nhất 17h ngày 12/8.
Việc xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống chậm nhất 17h ngày 18/8. Sau đó, các trường đại học sẽ xét tuyển đợt bổ sung.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối cùng theo chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023 về hình thức tổ chức, mô hình; tuy nhiên sẽ có một vài điều chỉnh về mặt kỹ thuật để khắc phục các hạn chế bất cập của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Để thí sinh chủ động hơn trong việc ôn tập, Bộ GD&ĐT cũng vừa công bố 15 đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024.
Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản giữ ổn định cấu trúc như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Tuy nhiên, đề thi có sự tăng cường một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn để gần hơn với định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với mục tiêu yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nội dung đề thi theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông 2006, song có độ phân hóa cao hơn, đặc biệt là các câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao.
Sự thay đổi nhiều hơn cả nằm ở đề thi môn ngữ văn, dạng thức thi tự luận. Đề thi được xây dựng theo hướng khuyến khích học sinh phát huy tính sáng tạo, hạn chế văn mẫu. 14 môn còn lại thi trắc nghiệm khách quan với 4 lựa chọn A hoặc B, C, D.
Tuy nhiên theo Bộ GD&ĐT, đến năm 2025, đề thi tốt nghiệp THPT sẽ có thay đổi so với trước đây.
Cụ thể, đề thi tốt nghiệp THPT 2025 vẫn giữ nguyên tỷ trọng một lượng câu hỏi theo kiểu cũ, tức vẫn giữ một phần dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn; môn ngữ văn thi bằng hình thức tự luận, các môn còn lại hình thức trắc nghiệm.
Nhưng đề thi sẽ có thêm các định dạng mới như: Câu hỏi dạng đúng/sai và dạng trả lời ngắn.
Trả lời phóng viên Dân trí về việc tại sao Bộ GD&ĐT đưa ra các định dạng trắc nghiệm mới, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT tập trung vào các năng lực quan trọng, phù hợp với định hướng nghề nghiệp giai đoạn THPT như giải quyết vấn đề và sáng tạo, tính toán, năng lực ngôn ngữ.
Do vậy, định dạng đề thi được nghiên cứu xây dựng theo hướng kế thừa những ưu điểm của đề thi trước, đồng thời đổi mới để phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực.
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn
Toán 8 _ Bài 3 _ Giải bài tập: Nhân đa thức với đa thức và các bài toán nâng cao
Đã xem: 1944