1. Hiện trạng
Qua quá trình dự giờ, thăm lớp tại các trường trung học trên địa bàn tỉnh, người viết nhận thấy hầu hết các tiết thao giảng, thi giáo viên giỏi, thanh tra chuyên môn…đều sử dụng ít nhất một lần phương pháp hoạt động nhóm. Bên cạnh một số hiệu quả nhất định, còn rất nhiều tồn tại ở cả cách thức tổ chức nhóm, thời gian hoạt động và kết quả tương tác giữa giáo viên với học sinh…. Ví dụ, khi giảng dạy Phần 1. Khu vực đồi núi – bài 29: Đặc điểm các khu vực địa hình (Địa lý lớp 8), giáo viên một trường THCS chia lớp 43 học sinh thành 4 nhóm (4 bàn/nhóm), nhóm 1 tìm hiểu vùng núi Đông Bắc, nhóm 2 tìm hiểu vùng núi Tây Bắc; nhóm 3 tìm hiểu vùng núi Trường Sơn Bắc; Nhóm 4 tìm hiểu vùng núi Trường Sơn Nam; thời gian thảo luận 4 phút. Sau đó, mỗi nhóm cử đại diện trình bày, nhóm khác nhận xét, giáo viên chốt kiến thức, học sinh ghi bài…tổng thời gian 15 phút. Về hoạt động này, người viết có nhận xét như sau:
- Ưu điểm: giáo viên hoàn thành nội dung bài học đúng giờ.
- Hạn chế:
+ Chia nhóm không hợp lý do cách bố trí bàn học của lớp cùng hướng về bục giảng, học sinh phải sắp xếp bàn ghế quay lại với nhau, chưa phân công nhiệm vụ cụ thể, các thành viên hoạt động không đều…
+ Giao nhiệm vụ học tập không rõ ràng, chi tiết.
+ Thời gian quá ngắn, học sinh chỉ kịp đọc và ghi lại nội dung trong sách giáo khoa (chỉ 2-3 học sinh thực hiện).
+ Giáo viên không đủ thời gian hỗ trợ các nhóm hoạt động.
+ Mỗi nhóm chỉ nghiên cứu được phần kiến thức của nhóm nên không biết phần kiến thức của nhóm khác.
+ Giáo viên gần như đọc cho học sinh ghi chép hoàn toàn khi chốt kiến thức, trở lại phương pháp truyền thụ kiến thức một chiều, triệt tiêu khả năng chủ động tìm tòi, chủ động lĩnh hội tri thức của học sinh, không có thời gian mở rộng nâng cao, liên hệ thực tiễn…
Ở đây, chúng ta thấy rõ sự áp dụng một cách rập khuôn và hình thức trong việc tổ chức thảo luận nhóm do nhiều nguyên nhân khác nhau và có thể có nguyên nhân là giáo viên và tổ chuyên môn ở các đơn vị giáo dục chưa thực sự tường minh các chỉ đạo chuyên môn của Bộ GDĐT, của Sở GDĐT tỉnh Bình Dương đối với đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá trong trường phổ thông hiện nay.
Nhìn từ góc độ chuyên môn, một tiết soạn giảng lấy học sinh làm trung tâm, ngoài thảo luận nhóm, còn rất nhiều phương pháp dạy học tích cực khác nhau, ví dụ: Bàn tay nặn bột, phòng tranh, giải quyết vấn đề...Dù sử dụng bất cứ phương pháp nào, người tổ chức (giáo viên) – người hoạt động (học sinh) phải nắm vững về phương pháp đó.
Phương pháp thảo luận nhóm là một trong những phương pháp có sự tham gia tích cực của sinh. Thảo luận nhóm còn là phương tiện học tập, nghiên cứu có tính cách dân chủ, mọi cá nhân được tự do bày tỏ quan điểm, tạo thói quen sinh hoạt bình đẳng, biết đón nhận quan điểm bất đồng, hình thành và bảo vệ quan điểm cá nhân, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề khó khăn, vướng mắc. Thảo luận nhóm có thể thực hiện dưới hai hình thức: Thảo luận nhóm lớn (cả lớp); Thảo luận nhóm nhỏ (dưới 8 học sinh/nhóm).
2. Tổ chức thảo luận nhóm như thế nào để đạt hiệu quả cao?
Trước hết, tiến hành chia nhóm hợp lý, có thể tham khảo các hình thức chia nhóm nhỏ (dưới 8 học sinh) như sau: Chia theo đếm số thứ tự; Chia theo vị trí ngồi; Chia theo tháng sinh; Chia ngẫu nhiên; Chia theo sở thích; Chia theo giới tính; Chia theo học lực…
Thứ hai, người dạy phải thể hiện rõ mục đích khi đặt câu hỏi thảo luận. Đặt câu hỏi để: Cung cấp kiến thức; đào sâu hay làm sáng tỏ một vấn đề nào đó; tìm hướng hỗ trợ; củng cố kiến thức.
Thứ ba, việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong nhóm phải rõ ràng và cụ thể.
Thứ tư, hoạt động theo dõi, can thiệp và điều chỉnh tiến trình hợp tác nhóm... của giáo viên phải bao quát và kịp thời.
Thứ năm, cách báo cáo kết quả thảo luận của nhóm nhỏ phải phù hợp với cách chia nhóm, mục đích của câu hỏi thảo luận, nội dung thảo luận…
Trở lại với tình huống giảng dạy Phần 1. Khu vực đồi núi – bài 29: Đặc điểm các khu vực địa hình (Địa lý lớp 8), giáo viên có thể tiến hành bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ:
- Cách 1 (Dành cho lớp khá giỏi): cho học sinh tương tác nhóm theo bàn/cặp đôi, thảo luận và hoàn thành phiếu học tập sau:
Vùng núi | Phạm vi | Đặc điểm | Hướng núi |
Đông Bắc |
|
|
|
Tây Bắc |
|
|
|
Trường Sơn Bắc |
|
|
|
Trường Sơn Nam |
|
|
|
Sau 5 phút, luân chuyển kết quả của nhóm này đến các nhóm khác bổ sung, 5 phút tiếp theo giáo viên trình chiếu chuẩn kiến thức và các nhóm tự đối chiếu với sản phẩm của mình và chủ động ghi chép, cập nhật, bổ sung. Thời gian còn lại, giáo viên mở rộng, nâng cao, liên hệ thực tế và củng cố thêm.
- Cách 2 (Danh cho lớp trung bình): giáo viên giới thiệu cho học sinh các thẻ kiến thức dưới đây (bằng giấy hoặc rô ky cắt nhỏ hoặc thiết kế trên Power Point):
Nằm ở tả ngạn sông Hồng. | - Vùng đồi núi thấp - Địa hình Caxtơ khá phổ biến - Trung du phát triển rộng. | - Hướng vòng cung chụm lại ở Tam Đảo. |
- Nằm giữa sông Mã và sông Cả. | – Là những dải núi cao, những sơn nguyên đá vôi hiểm trở nằm song song. - Có những đồng bằng nhỏ trù phú nằm ở giữa vùng núi cao | - Hướng Tây Bắc-Đông Nam. |
- Nằm giữa sông Mã và dãy Bạch Mã. | - Vùng núi thấp, 2 sườn không đối xứng. - Sườn Đông hẹp và dốc, có nhiều núi nằm ngang chia cắt đồng bằng | - Hướng Tây Bắc-Đông Nam. |
- Từ dãy núi Bạch Mã đến Đông Nam Bộ. | - Vùng đồi núi và cao nguyên hùng vĩ. | - Cả hệ thống núi tạo ra hướng vòng cung. |
Học sinh hoạt động cá nhân với sách giáo khoa và tiến hành sắp xếp các kiến thức đúng vào mỗi vùng theo bảng (trong quá trình hoạt động, học sinh có thể trao đổi, thảo luận với và giáo viên hỗ trợ trực tiếp nếu có yêu cầu):
Vùng núi | Phạm vi | Đặc điểm | Hướng núi |
Đông Bắc |
|
|
|
Tây Bắc |
|
|
|
Trường Sơn Bắc |
|
|
|
Trường Sơn Nam |
|
|
|
Giáo viên cho một số học sinh báo cáo kết quả và tiến hànhchuẩn kiến thức, sửa chữa bổ sung nếu cần.
Tổ chức thảo luận nhóm trong một tiết thao giảng dự giờ.
3. Cách thức đánh giá kết quả tiết dạy có tổ chức thảo luận nhóm
3.1. Đối với người dạy:
Thảo luận nhóm chỉ thành công khi người dạy thực hiện được các nội dung: Có mục tiêu rõ ràng, cụ thể; giao nhiệm vụ học tập rõ ràng; môi trường học tập thuận lợi, thân thiện; tất cả mọi người hướng đến mục tiêu chung; có sản phẩm hoàn thành đúng giờ.
3.2. Đối với người dự giờ và đánh giá tiết dạy:
- Người dự không tập trung quan sát, đánh giá hoạt động của giáo viên mà chú trọng đánh giá quá trình học, kết quả học của học sinh.
- Việc đánh giá đúng tiết dạy có tổ chức thảo luận nhóm phải tập trung vào các vấn đề sau:
+ Học sinh có tự giác, tích cực tự học hay không?
+ Các nhóm có hoạt động đều tay, sôi nổi hay không?
+ Nhóm trưởng điều hành nhóm có tốt hay không?
+ Các hoạt động học diễn ra đúng trình tự logic?
+ Học sinh hoàn thành các yêu cầu giáo viên giao?
+ Học sinh có hiểu bài, nắm được bài, hoàn thành mục tiêu bài học?
4. Có nhất thiết phải tổ chức thảo luận nhóm ở tất cả tiết học, bài học không?
Cơ sở vật chất, quy mô lớp học, cách bố trí bàn ghế, diện tích phòng học…tác động rất lớn đến tổ chức hoạt động nhóm. Tuy nhiên, trong điều kiện quá tải học sinh trên địa bàn tỉnh Bình Dương, khi tổ chức các hoạt động dạy và học, người dạy cần linh hoạt thực hiện đồng bộ các phương pháp dạy học tích cực khác nhau phù hợp với thực tiễn nhằm khai thác tính chủ động nghiên cứu của học sinh.
Giáo viên trực tiếp giảng dạy, cán bộ quản lý chuyên môn tuyệt đối không xem thảo luận nhóm là “kim chỉ nam” trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng vào mọi điều kiện, mọi thời điểm. Từ đó, hình thành quan điểm sai lầm “đổi mới phương pháp là phải tổ chức hoạt động nhóm”.
Từ năm học 2015- 2016 đến nay, trong các khóa bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên, Sở GDĐT Bình Dương luôn nhấn mạnh công tác đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học căn cứ Công văn số 5555/BGDĐT-GDTrH ngày 08/10/2014 của Bộ GDĐT. Trong hoạt động dạy học tích cực gồm có học cá nhân phối hợp học tương tác (có thể chia hoặc không chia học sinh thành các nhóm). Các nhà nghiên cứu giáo dục đã xếp lần lượt:
- Học cá nhân có ý nghĩa quyết định.
- Trao đổi với bạn bên cạnh (cặp đôi) là quan trọng.
- Trao đổi trong nhóm (với các bạn xung quanh) là cần thiết.
- Thảo luận cả lớp chỉ diễn ra nếu cần.
5. Kết luận và kiến nghị
Để công tác đổi mới phương pháp dạy học đi vào thực chất góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, cần thực hiện một số giải pháp:
- Đối với các cấp quản lý: tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, phương pháp dạy học tích cực phù hợp với xu hướng mới cho cán bộ quản lý chuyên môn và giáo viên.
- Đối với nhà trường: cần mạnh dạn xây dựng chương trình nhà trường theo hướng phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, mức độ nhận thức của học sinh…
- Đối với tổ chuyên môn và giáo viên: tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, dạy học tích hợp, dạy học theo dự án, soạn giảng theo chuyên đề, chủ động trong việc rèn luyện, trau dồi năng lực nghề nghiệp; coi trọng vấn đề đổi mới hoạt động dạy học; phải quán triệt rõ rằng thảo luận nhóm chỉ là một trong muôn vàn phương pháp dạy học theo hướng mở, lấy học sinh làm trung tâm…
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Toán 8 _ Bài 3 _ Giải bài tập: Nhân đa thức với đa thức và các bài toán nâng cao
Đã xem: 1763